Diễn biến Vụ trẻ em rơi vào cọc ống bê tông ở Đồng Tháp

Ngày xảy ra sự cố

Camera quan sát ghi lại thời điểm nhóm trẻ bên trong công trường lúc bé Nam rơi xuống hố chứa cọc ống bê tông

Trước đó, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 31 tháng 12 năm 2022, đã có một nhóm trẻ 10–12 tuổi lẻn vào công trình cầu Rọc Sen tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp và sau đó đã bị bảo vệ đuổi ra. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, công nhân của công trường nghỉ trưa thì nhóm trẻ lại lẻn vào công trình[8][9] để nhặt sắt vụn.[10][11] Đến 11 giờ 55 phút, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã rơi xuống hố tại công trình thi công.[12] Từ miệng hố đến miệng cọc ống bê tông khoảng 2–3 m[6][12] và rộng khoảng 60–70 cm như hình một cái phễu.[6] Còn ống cọc bê tông ly tâm D500 tại mố MA (cọc C1-MA) ở bên dưới đó, có đường kính ngoài cọc là 50 cm và đường kính trong cọc 25 cm. Cọc dài khoảng 35 m và được nối từ 3 đoạn cọc đúc sẵn (tạo thành một cọc gồm 3 đốt cắm dần theo chiều sâu vào lòng đất).[13][14] Như vậy, từ mặt đất xuống đáy cọc sẽ khoảng 37–38 m.

Sau khi bé Hạo Nam rơi xuống, 3 bé khác trong nhóm đã liên hệ với người lớn, khi bố Hạo Nam đến vẫn còn nghe kêu cứu của bé khoảng 10 phút sau đó.[15] Đường kính lỗ cọc 25 cm (250 mi-li-mét (9,8 in) = 5/6 foot), nhưng do bé Nam mới 10 tuổi lại có thể trạng nhỏ: 10 tuổi chỉ nặng hơn 20 kg,[16] nên dễ dàng bị rơi lọt vào trong lỗ cọc sâu 35 m.[17]

Theo Ủy ban nhân dân xã Phú Lợi, sau 30 phút nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ đã có mặt và dùng máy xúc múc quanh cọc bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ đốt cọc chứa bé Nam lên.[14][18] Tuy nhiên, đào được 10 m thì lực lượng cứu hộ không thể rút cọc lên.[19] Đội cứu hộ địa phương cũng đã sử dụng nhiều bình oxy và nước chuyền xuống cho nạn nhân.[18] 100 nhân lực, 3 máy xúc và 1 xe cẩu đã được huy động đến hiện trường.[20][21]

Ngày thứ nhất

Đến trưa ngày 1 tháng 1 năm 2023, công tác giải cứu vẫn chưa thành công.[22] Ban đầu, máy khoan địa chất đã được sử dụng để làm tơi đất nhưng quá chậm. Sau đó, máy khoan nhồi đã được đưa đến hiện trường để phục vụ công tác giải cứu.[22] Chính quyền địa phương cũng xác nhận "không chắc về tình trạng hiện tại của cậu bé" vì em "đã ngừng tương tác với bên ngoài mặc dù oxy luôn được bơm vào" trong cọc ống bê tông.[23]

Sau khi có thiết bị chuyên dụng khoan cọc nhồi tải trọng 35 tấn nhằm đẩy nhanh quá trình nhổ được cọc bê tông. Tuy nhiên, máy không hoạt động như dự tính nên buộc phải dừng lại khoảng 1–2 giờ.[24][25] Phương án này được cho là dễ làm cột bê tông lệch vị trí, chịu không nổi lực tác động mạnh.[25]

Ngày thứ hai

...Khi đưa được cột bê tông lên mặt đất, lực lượng của Quân khu 9 sẽ sử dụng phương tiện chuyên dụng để soi thăm dò xác định chính xác vị trí cháu bé đang ở đâu trong thân cọc. Sau đó lực lượng mới khoan cắt, phá dỡ cọc bê tông để đưa cháu bé ra, đồng thời có các bước xử lý tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, khuya ngày 2 tháng 1, rạng sáng 3 tháng 1.[26]

Đến sáng ngày 2 tháng 1 năm 2023, công tác giải cứu vẫn chưa có kết quả. Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục bơm oxy xuống dưới cọc ống bê tông[24] mặc dù vẫn không rõ về tình trạng của nạn nhân.[23] 8 giờ 30 phút, hiện trường sự cố đã được phong tỏa.[24]

Trưa ngày 2 tháng 1 năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi Công điện số 01/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen.[27] Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã gửi công văn hỏa tốc đến Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội.[28]

Vào lúc 17 giờ 30 phút, Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 đã cử 20 cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ lực lượng địa phương[29] cùng với các thiết bị chuyên dùng nội soi thăm dò, các thiết bị cưa cắt các khối bê tông cũng đã được huy động có mặt tại hiện trường.[25][30]

Đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã xói cọc được 31/36 m.[lower-alpha 1][31][32] Tổng cộng 2 cần cẩu, 4 máy đào, 5 xà lan, 1 dàn cọc khoan nhồi, 1 thiết bị xói hút bùn, 2 giàn khoan guồng xoắn, 2 giàn khoan địa chất và các máy móc phụ trợ khác đã được đưa đến[28] cùng 350 chiến sĩ, lực lượng hỗ trợ công tác giải cứu.[33][34] Số lượng nhân lực cứu hộ trong vụ tai nạn này được xem là chưa từng có tiền lệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.[35]

Ngày thứ ba

Mô phỏng đặt ống thép.

Khuya ngày 2 tháng 1, rạng sáng ngày 3 tháng 1, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn cử cán bộ xuống hiện trường phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác cứu nạn sau công văn của Thủ tướng Chính phủ.[36] Đến 2 giờ sáng ngày 3 tháng 1, lực lượng cứu hộ đã đóng một ống thép có đường kính 1,5 m, sâu 19 m bao quanh cọc ống bê tông mà bé Hạo Nam rơi xuống để làm sạch đất xung quanh rồi rút cọc ống bê tông lên khỏi mặt đất.[37][38] Đến 8 giờ sáng, gần 70 giờ kể từ khi sự cố xảy ra, ống thép lồng xung quanh trụ đã được đóng xuống hoàn toàn.[38][39] Việc thực hiện phương án này là chưa từng xuất hiện tại tỉnh Đồng Tháp.[40]

Từ 11 giờ sáng, đội cứu hộ đã thực hiện phương pháp khoan guồng xoắn mang đất đá bên trong ống thép ra ngoài và đến 14 giờ 30 phút cùng ngày, 23/35 m đất trong lòng ống đã được làm sạch.[41][42] Phương án khoan xoáy nước cũng đã được đội cứu hộ nghiên cứu.[42]

Đến khuya cùng ngày, khi dùng phương pháp khoan guồng xoắn đến độ sâu 27 m thì đất kết cấu chặt, dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện nên phương pháp khoan xoáy nước đã được kết hợp bổ sung nhằm làm cho đất tơi ra.[4] Hai máy cắt cọc ống bê tông công suất lớn từ thành phố Cần Thơ cũng đã được Quân khu 9 mang đến.[43]

Ngày thứ tư

Việc kết hợp khoan guồng xoắn và khoan xoáy nước vẫn được thực hiện xuyên suốt trong đêm.[44] Từ độ sâu 34 m trở đi, phương pháp khoan xoáy nước được tạm dừng và chỉ thực hiện khoan guồng xoắn.[45]

Đến 7 giờ 30 phút sáng ngày 4 tháng 1, lực lượng Công binh của Quân khu 9 đã bắt đầu gắn cáp vào ống cọc bê tông.[44] Khoảng 10 giờ 30 cùng ngày, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng nhiều chuyên gia đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn.[45]

Đến 18 giờ 27 phút cùng ngày, sau gần 100 giờ cứu hộ, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, sau khi hội chẩn với cơ quan pháp y và gia đình, đã đi đến kết luận và xác nhận bé Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, đã tử vong trong tình trạng đa chấn thương.[46] Ngoài ra, điều kiện trong lòng ống cọc bê tông không được đảm bảo không khí, thời tiết lạnh và không được ăn uống là một phần dẫn đến việc bé đã tử vong.[46] Tuy nhiên, cọc ống bê tông chứa bé Hạo Nam vẫn chưa được rút lên.[47]

Ngày thứ năm

Sáng sớm ngày 5 tháng 1, chính quyền địa phương xác nhận lực lượng cứu hộ đã tạm dừng do gặp phải tầng địa chất đặc biệt[48] và hội chẩn ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước.[49] Sau khi bé Hạo Nam được xác nhận đã tử vong, phương pháp cứu hộ tiếp tục được thay đổi, cụ thể, lực lượng cứu hộ sẽ tháo khớp nối lần lượt và đưa từng đoạn một trong ba đoạn ống bê tông lên.[48][50] Tuy nhiên, khi thực hiện cẩu ống thứ 1 lên thì ống thứ 2 và ống thứ 3 bị lệch khiến công tác giải cứu tiếp tục gặp thất bại.[51]

Chiều cùng ngày, ông Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã xác nhận mời tổ chuyên gia Nhật Bản gồm 8 người đến hỗ trợ tìm thi thể bé Hạo Nam.[51][49] Địa phương cũng đã huy động thêm một cần cẩu 120 tấn từ nơi khác đến hiện trường cho công tác dự phòng.[52] Tuy nhiên, do hiện trường nằm giữa cánh đồng và kênh nhỏ khiến cho phương tiện không thể đưa cần cẩu vào thực hiện.[53]

Ngày thứ sáu

Đến ngày 6 tháng 1, công việc giải cứu vẫn chưa kết thúc khi đội cứu hộ vẫn chưa thể đưa ống bê tông lên cùng thi thể bé trai 10 tuổi khỏi mặt đất. Theo chính quyền địa phương, phương án cuối cùng của công tác cứu hộ là mở rộng miệng hố hàng chục mét để đưa cọc ống bê tông khỏi mặt đất. Tuy nhiên, việc này sẽ phải lấp cả con kênh bên cạnh khi cần diện tích mặt bằng khoảng 60 m để giải phóng đất.[54]

Đến chiều cùng ngày, các chuyên gia trong nước đã đồng thuận và thống nhất với đề xuất kết hợp cọc ván thép và ống vách thép để rút cọc ống bê tông lên.[55] Việc đào đất xung quang loại bỏ ma sát bên của cọc bê tông ly tâm C1-MA xảy ra tai nạn, theo biện pháp được các chuyên gia thống nhất, là chia làm 2 đến 3 đợt đào đất. Đợt đào thứ nhất, tạo thành hố đào thành vách thẳng đứng xung quanh cọc rộng 4,8 m x 4,8 m, sâu 15m so với đỉnh cọc. Để gia cố thành hố đào thẳng đứng của đợt đào này, trước khi đào nó bằng máy đào, thì một hệ thống cọc ván thép (theo chuyên môn gọi là cọc cừ thép kiểu larsen) loại dài 18m, sẽ được sử dụng để đóng bao xung cọc ống bê tông tạo thành tường vây (diaphragm wall) chu vi vuông 4,8 m x 4,8 m sâu 18m so với đỉnh cọc. (Cừ larsen tiêu chuẩn với độ dài 18m thường là loại IV-400x170x15,5). Sau khi đào xong đợt đào thứ nhất sâu 15m tính từ đỉnh cọc, thì từ mặt bằng sâu 15m so với đỉnh cọc tiến hành hạ ống vách tròn bao quanh chu vi cọc cho đến qua độ sâu đáy cọc 35m, để moi vét sạch sâu thêm 20m đất, xung quanh cọc ống bê tông vị trí tai nạn, bằng khoan guồng xoắn, cho tới độ sâu đáy cọc. Ban đầu (ngày 6/1) dự kiến phương án ống vách thép có đường kính 1,6 m. Nhưng sau (đến ngày 7/1) chỉnh sửa kế hoạch, ống vách được chia thành 2 đợt: Đợt trên dùng ống vách đường kính 2,0 dài 12m đóng xuống để mở rộng không gian nạo vét đất (từ độ sâu 15m tới độ sâu 25m) và thao tác quấn cáp kéo đốt cọc thứ 2 và thứ 3 về sau khi kéo cọc lên. Đợt ống vách dưới cùng đường kính 1,0m dài 12m để giữ thành đất thẳng đứng xung quanh sâu thêm 10m nữa, từ độ sâu 25m đến độ sâu đáy cọc, giúp nạo vét đất giữa cọc và ống vách làm giảm ma sát bên quanh đốt cọc dưới cùng, để kéo cọc lên. Sau đó, hệ thống cáp và cần cẩu sẽ kéo cọc ống này lên khỏi mặt đất. Để kéo cọc lên cần phải đấu sức trục của 3 cần trục với tổng sức trục trung bình khoảng 3x50 tấn, đứng cân tam giác đều xung quanh cọc.[55][56]

Ngày thứ 7–10

Sau 7 ngày cứu hộ, công tác giải cứu vẫn chưa kết thúc khi chưa thể đưa thi thể của bé Hạo Nam lên khỏi mặt đất.[57] Tại cuộc họp của UBND tỉnh Đồng Tháp vào sáng ngày 7 tháng 1, tỉnh này đã hoàn thiện phương án và thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Rọc Sen.[58] Đến chiều cùng ngày, đội cứu hộ đã thống nhất và đồng thuận thực hiện phương án đã được đề xuất vào ngày 6 tháng 1 với "11 bước thực hiện".[59] Đến 8 giờ sáng ngày 8 tháng 1, đội cứu hộ đã đóng xong khung cừ ván thép dài 12 m xuống lòng đất, đỉnh cừ thấp hơn mặt đất tự nhiên 2 m và tiến hành đào đất lên trong khu vực khung vây. Đến 16 giờ cùng ngày, đất đã được đội cứu hộ lấy ra khoảng 3 m và gia cố 2/5 khung chống. Các thiết bị khác như: gàu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 – 1m, ống vách đường kính 1 m và 2 m… đã liên tục được đưa đến hiện trường.[60][61] Trước đó, đơn vị cứu hộ đã dự định sử dụng cừ ván thép 18 m thay vì 12 m như hiện tại do không phù hợp với địa hình.[60]

Khoảng 6 giờ sáng ngày 9 tháng 1, lực lượng cứu hộ đã hoàn thành vòng vây cọc ván thép để giữ ổn định cho thiết bị thi công và đào đất. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã xác nhận huy động thêm búa rung 180 kW vận chuyển từ Cảng Cái Mép – Thị VảiBà Rịa – Vũng Tàu để phục vụ cho công tác cứu hộ và dự kiến sẽ đến hiện trường vào chiều, tối ngày 9 tháng 1.[62][63] Vào ngày 10 tháng 1, mưa lớn đã diễn ra tại hiện trường sự cố.[64][65] Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, Tổ trưởng Tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ tại công trình cầu Kênh Rọc Sen cho biết, mưa lớn đã diễn ra từ tối ngày 9 đến sáng ngày 10 tháng 1.[66] Trong ngày, lực lượng cứu hộ đã cắt bỏ thành công 3 đầu cọc nằm trong hố móng và ráp nối và hàn ống vách D1000 dài 23,5 m.[64] Đến tối cùng ngày, các máy móc, thiết bị cần thiết cho cứu hộ đã được tập kết đầy đủ nhằm phục vụ cho công tác cứu hộ và kéo trụ bê tông lên.[66]

Ngày thứ 11–15

Đến ngày 11 tháng 1, lực lượng cứu hộ đã hạ hoàn tất tầng khung chống số 3, đào đất đến cao độ tầng chống số 4 và đã cắt đầu cọc để chuẩn cho công tác lắp tầng chống số 4.[65][67] Vào ngày 12 tháng 1, tổ điều tra, cứu hộ đã hạ hoàn tất hạ tầng khung chống số 4 và đào được sâu hơn tầng số 4 khoảng 2 m. Lúc này, việc đào đất bằng gàu cạp kết hợp gàu ngoạm vẫn đang được tiến hành, đồng thời, sử dụng 2 vòi xói cắt phá đất tại những điểm chật hẹp mà hai gàu kia không sử dụng được.[68][69]

Ngày 13 tháng 1, lực lượng cứu hộ đã hoàn tất hạ hoàn chỉnh tầng khung chống thứ 5 và đào sâu hơn tầng 5 khoảng 1,5 m.[70] Trong quá trình đào, cần cẩu 80 tấn đã bị trục trặc đường ống dẫn đầu. Ngay sau đó, tổ điều hành đã điều động 3 nhóm thợ sửa cần cẩu vào chiều cùng ngày.[71] Trong ngày 14 tháng 1, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, tổ cứu hộ đã hoàn tất lắp đặt khung chống tầng thứ 6. Đồng thời, lực lượng cũng đã hàn khung giữ tạm ống vách và thực hiện rung hạ 28 m cọc cừ ván thép để giữ ổn định cọc bê tông trong ống vách.[71][72] Trước đó, tỉnh Đồng Tháp cũng đã xác nhận đã cắt xong 3 đầu cọc bê tông.[71] Khuya ngày 14, sáng ngày 15 tháng 1, lực lượng cứu hộ đã đào đất trong lòng hố kết hợp bơm dung dịch bentonite[lower-alpha 2] vào dưới khung vây ván thép.[73][74] Cũng trong đêm, đội cứu hộ đã rút thành công ống vách nhờ cần cẩu 80 tấn kết hợp cùng búa rung 90 kW.[74] Đến chiều ngày 15 tháng 1, lực lượng cứu hộ đã điều động thiết bị cho công tác đào đất và hạ 4 cọc ván thép dẫn hướng cho gầu cạp.[75]

Ngày thứ 16–19

Vào sáng ngày 16 tháng 1, đội cứu hộ đã đưa thành công đoạn thứ nhất dài 12 m trong số 3 đoạn của cọc ống bê tông lên khỏi mặt đất.[76] Cùng lúc đó, công tác cứu hộ đã đào đến độ sâu âm 19 m so với đầu cọc ống bê tông và khoảng cách đến đầu đoạn cọc số 3 là 5 m.[76] Đến chiều ngày 17 tháng 1, lực lượng cứu hộ đã đào sâu đến độ sâu 27 m so với đầu trụ bê tông, ước chừng cách đuôi cọc bê tông khoảng 8 m.[77][78] Đồng thời, Lữ đoàn Công binh 25 của Quân khu 9 cũng đã xác nhận chuẩn bị xong quân số, phương tiện và trang bị để đưa thi thể của bé Hạo Nam lên mặt đất.[79]

Khoảng tối ngày 18 tháng 1, ống vách thép D2100 tiếp cận với vị trí tiếp giáp mối nối ống thứ hai và thứ ba. Lực lượng tại hiện trường tiếp tục tháo các đoạn để làm lộ đầu ống trụ bê tông đoạn thứ ba. Lực lượng cứu hộ cũng đã xác định được bé Hạo Nam đang mắc kẹt ở mối nối ống thứ hai và thứ ba.[80] Vào ngày 19 tháng 1, tức ngày 28 Tết Nguyên Đán 2023, đoạn bê tông thứ hai dài 12 m đã được đưa lên lúc 18 giờ, ba cần cẩu từ 50 – 80 tấn cũng đã được di chuyển sang bãi đất gần đó. Thi thể bé trai được cho là nằm ở đầu đoạn cọc thứ 3.[81]

Ngày cuối cùng

Vào 1 giờ 20 phút rạng sáng ngày 20 tháng 1, hai cảnh sát cứu nạn đã tiếp cận xuống độ sâu hơn 25 m trong lồng ống sắt bao quanh cọc ống bê tông chứa thi thể bé Hạo Nam đã dùng thiết bị chuyên dụng để đưa thi thể lên.[82][83] Do quá trình phân hủy chậm nên thi thể bé được lực lượng cứu hộ đưa lên nguyên vẹn. Theo kết quả của pháp y và điều tra sơ bộ tại hiện trường, nạn nhân đã tử vong do đa chấn thương khi va chạm vào vách cứng và rơi vào môi trường nước.[83][84]

Việc khám nghiệm tử thi và khâm liệm bé đã được thực hiện với sự chứng kiến của gia đình, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp ngay sau khi bé được đưa lên.[83] Đến 3 giờ sáng cùng ngày, bé đã được đưa về gia đình rồi nhanh chóng mang đi chôn cất.[84]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ trẻ em rơi vào cọc ống bê tông ở Đồng Tháp https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c517011p44... https://www.foxnews.com/world/vietnam-rescuers-rac... https://www.ndtv.com/world-news/massive-rescue-op-... https://www.reuters.com/world/asia-pacific/rescuer... https://www.tiktok.com/@alominjne/video/7185036629... https://www.youtube.com/watch?v=85Sno9RUedk https://www.youtube.com/watch?v=9mGC3DyfmZk https://www.youtube.com/watch?v=RFI5V_4Ibes https://www.youtube.com/watch?v=YSLUTDgttto https://vnexpress.net/2-phuong-an-cuu-be-trai-roi-...